Định Mức Dự Toán Nhu Cầu Vật Liệu, Nhân Công, Máy Thi Công
1. Dự toán nhu cầu vật liệu, nhân công, xe máy thi công
A – Tác dụng của việc dự toán nhu cầu vật liệu, nhân công, xe máy thi công.
- Dự toán vật liệu, nhân công, máy thi công là cơ sở để đơn vị xây lắp lập kế hoạch cung ứng vật tư kỹ thuật, kế hoạch tổ chức thi công điều động nhân lực và xe máy thi công.
- Trong đó dự toán nhu cầu của các vật liệu xây dựng còn làm căn cứ để tính bù trừ chênh lệch chi phí vật liệu khi lập dự toán xây lắp công trình, hạng mục công trình.
- Dự toán nhu cầu vật liệu, nhân công máy thi công là cơ sở để lập kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản của ngành, của chủ đầu tư.
B – Cơ sở để lập dự toán vật liệu, nhân công và xe máy thi công
- Khối lượng công tác của công trình (tiên lượng)
- Định mức dự toán xây dựng cơ bản
2. Định mức dự toán xây dựng cơ bản
A – Khái niệm
- Định mức dự toán xây dựng cơ bản (gọi tắt là định mức dự toán) do Bộ xây dựng chủ trì cùng với các Bộ chuyên ngành nghiên cứu xây dựng và ban hành áp dụng thống nhất trong cả nước.
- Nó là mức xác định kinh tế kỹ thuật xác định mức hao phí cần thiết về vật liệu, lao động và máy thi công để hoàn thành một đơn vị khối lượng công tác xây lắp tương đối hoàn chỉnh như 1 m³ tường gạch xây, 1 m³ bê tông, 1 m² lát gạch, 1 m² mái nhà… từ khâu chuẩn bị đến khâu kết thúc công tác xây lắp (kể cả hao phí cần thiết do yêu cầu kỹ thuật và tổ chức sản xuất nhằm đảm bảo thi công xây lắp liên tục, đúng quy trình quy phạm kỹ thuật).
B – Nội dung định mức dự toán xây dựng cơ bản
- Định mức dự toán xây dựng cơ bản gồm 3 mức hao phí:
- Mức hao phí vật liệu
- Là số lượng vật liệu chính, vật liệu phụ, các cấu kiện hoặc các bộ phận rời lẻ, vật liệu luân chuyển cần thiết cho việc thực hiện và hoàn thành khối lượng công tác xây lắp.
- Mức hao phí vật liệu chính được quy định bằng số lượng theo đơn vị thống nhất cho từng chủng loại trên phạm vi cả nước.
- Mức hao phí vật liệu phụ khác được quy định tính bằng tỷ lệ phần trăm (%) trên chi phí vật liệu chính.
- Mức hao phí lao động
- Là số ngày công lao động của công nhân (chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp) trực tiếp thực hiện một đơn vị khối lượng công tác xây lắp từ khâu chuẩn bị đến khâu kết thúc trong đó đã kể cả thợ và phụ (kể cả công nhân vận chuyển, bốc dỡ vật liệu, bán thành phẩm trong phạm vi mặt bằng xây lắp).
- Mức hao phí lao động được quy định tính bằng số ngày công theo cấp bậc của công nhân trực tiếp xây lắp bình quân đã bao gồm cả lao động chính, phụ kể cả công tác chuẩn bị, kết thúc, thu dọn hiện trường thi công.
- Mức hao phí máy thi công
- Là số ca sử dụng máy thi công trực tiếp phục vụ xây lắp công trình chuyển động bằng động cơ hơi nước, điezen, xăng, điện, khí nén… (kể cả một số máy phục vụ xây lắp có hoạt động độc lập tại hiện trường nhưng gắn liền với dây chuyền sản xuất thi công xây lắp công trình).
- Mức hao phí máy thi công chính được tính bằng số lượng ca máy sử dụng.
- Mức hao phí máy thi công phụ khác được tính bằng tỷ lệ % trên chi phí sử dụng máy chính.
C – Quy định áp dụng
- Định mức dự toán áp dụng để lập đơn giá xây dựng cơ bản, làm cơ sở để lập dự toán xây lắp công trình xây dựng cơ bản thuộc các dự án đầu tư xây dựng.
- Trường hợp những loại công tác xây lắp mà yêu cầu kỹ thuật và điều kiện thi công khác với quy định trong định mức dự toán hoặc chưa có trong danh mục định mức dự toán hiện hành (Định mức dự toán xây dựng cơ bản kèm theo Quyết định 1242/1998 QĐ-BXD ngày 25/11/1998 của Bộ xây dựng ban hành, áp dụng thống nhất trong cả nước có hiệu lực từ 01/01/1999) thì chủ đầu tư, tổ chức tư vấn thiết kế và các đơn vị nhận thầu xây dựng căn cứ vào tài liệu thiết kế, các định mức đơn giá tương tự, hoặc căn cứ vào điều kiện cụ thể và hệ thống định mức sản xuất (Định mức thi công) để lập định mức đơn giá thích hợp phục vụ cho việc lập dự toán xây lắp công trình, để trình các cơ quan thẩm quyền ban hành áp dụng.
Đánh giá bài viết
[Tất cả: 0 Trung bình: 0]